CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP SÔNG ĐÀ

024.3768.5592


Mua chung cư thời "bão" giá như "mò kim đáy bể"

Ngày đăng: 15/08/2022

Rẽ hướng sang mua căn hộ cũ khi nguồn cung sơ cấp khan hiếm và đắt đỏ, nhưng giấc mộng an cư của nhiều người vẫn còn bỏ ngỏ trước thực tế giá căn hộ cũ cũng đang không ngừng leo thang dù chất lượng đã xuống cấp.

Gian nan tìm nhà

Theo báo cáo "Tiêu điểm thị trường bất động sản" của CBRE Việt Nam công bố, nửa đầu năm 2022 có khoảng 8.200 căn hộ chung cư mở bán mới tại Hà Nội (tăng 3% so với năm 2021). Tuy nhiên trong số đó, căn hộ cao cấp chiếm 55% tổng nguồn cung mới, còn phân khúc căn hộ bình dân lại trở nên khan hiếm hơn. Riêng trong quý II/2022, chỉ có 3.400 sản phẩm mới được bổ sung vào thị trường, giảm 28%, nguồn cung sơ cấp cũng giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung mới khan hiếm, trong khi đó giá thành tăng liên tục và trở nên cao ngoài tầm với của đa phần người dân có mức thu nhập trung bình.

Từ hơn một năm nay, vợ chồng chị Phạm Thị Thu (quê Thái Bình, hiện đang sinh sống và làm việc ở Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cất công khảo sát nhiều nơi để tìm mua một căn hộ chung cư sơ cấp với mức giá vừa tầm khoảng 2 tỷ đồng. Vợ chồng chị dự tính chỉ có thể trả trước một nửa, còn một nửa sẽ vay ngân hàng. Do đó, không thể mua các căn hộ có giá quá cao, bởi khi đó lãi suất ngân hàng phải trả hàng tháng cũng sẽ bị “đội” lên theo.

“Nếu như ngày trước vay ngân hàng lãi suất khoảng 8 - 10%/năm thôi thì bây giờ có ngân hàng đã lên tới 12 - 13%/ năm. Hơn nữa bây giờ cũng khó vay lắm. Mấy tháng gần đây mình đi hỏi thấy ngân hàng nào cũng ra điều kiện cho vay khó hơn, mà lãi suất lại cao”, chị Thu cho hay.

Vay ngân hàng khó, trong khi mức giá chung cư sơ cấp trên thị trường cao ngoài tầm với, tất cả đã khiến hành trình để sở hữu một tổ ấm mới đối với vợ chồng chị Thu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

Bên cạnh giá cả thì việc tìm một căn hộ có vị trí phù hợp với nhu cầu sử dụng và quá trình di chuyển của cả gia đình cũng là vấn đề lớn khiến chị Thu đau đầu. "Xác định mua với mục đích ở lâu dài chứ không phải làm của để dành hay đầu tư lướt sóng, ưu tiên lớn nhất của vợ chồng mình là gần trường học và nơi làm việc để tiện đưa đón hai con nhỏ", chị Thu cho biết.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Thu, sau nhiều tháng khảo sát, tìm kiếm tại nhiều dự án ở Hà Nội, hầu như không có dự án mới nào có mức giá vừa tầm như mong muốn, mà ngược lại, số ít dự án đang được chào bán trên thị trường đều có mức giá từ 3 tỷ đồng trở lên. Dự định mua căn hộ mới tối thiểu 2 phòng ngủ để lấy không gian riêng cho các con học tập không thành, vợ chồng chị Thu buộc phải rẽ hướng sang tìm mua những căn hộ cũ đã qua sử dụng với hy vọng sẽ vừa túi tiền và có diện tích sử dụng rộng rãi, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ để giúp gia đình chị sở hữu nhà ở.

Căn hộ cũ và câu chuyện “của rẻ là của ôi”

“Cũ người thì lại mới ta”. Xác định phải chấp nhận việc không có nhiều sự lựa chọn với tầm tiền trong tay nên tất cả những gì chị Thu mong muốn cho tổ ấm tương lai ở những tòa chung cư cũ chỉ đơn giản là thang máy đi lại không quá ọp ẹp, xuống cấp; có ban quản lý tòa nhà để đảm bảo an ninh và căn hộ không quá dột nát, tường vôi ít nứt nẻ, bong tróc là được. Tưởng chừng đó là những yêu cầu tối thiểu cho cuộc sống sinh hoạt cơ bản nhưng vẫn thật khó để chị tìm được một nơi như vậy trong tầm tiền thuộc khả năng xoay sở.

Nhắm tầm giá và vị trí phù hợp với nhu cầu, mãi tới đầu tháng 5/2022, chị Thu mới tìm được một căn hộ cũ tạm ưng ý ở chung cư Nơ14, Khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai). Căn hộ rộng 65m2, được rao bán với mức giá 1,65 tỷ đồng (25,4 triệu đồng/m2) và đã đầy đủ về mặt pháp lý.

Căn hộ cũ ở chung cư Nơ 14, Khu đô thị Định Công là nơi có mức giá vừa tầm với khả năng tài chính của gia đình chị Thu.

Ban đầu chỉ nghĩ đơn giản là cần một nơi để ở nên gia đình chị chấp nhận dù chung cư đã xây 18 năm, cơ sở hạ tầng có xuống cấp một chút cũng không sao. Vậy nhưng khi tới khảo sát tận nơi mới thấy chung cư này đã xuống cấp đồng bộ từ thang máy, cầu thang bộ cho tới hệ thống điện, đường ống nước... Tình trạng mất điện, mất nước xảy ra thường xuyên. Tường vôi cũng xuất hiện nhiều vết nứt loang lổ theo thời gian.

Sau khi tham khảo người dân sinh sống xung quanh và hỏi thêm ý kiến mọi người, vợ chồng chị Thu quyết định không xuống tiền nữa dù khá tiếc nuối: “Người ta bảo chung cư cũ này xuống cấp quá rồi. Chứ nếu lúc ấy quyết lấy căn đó với giá 1,65 tỷ thì quá phù hợp với khả năng tài chính nhà mình mà vị trí cũng thuận tiện cho việc đi lại. Thời điểm đó còn có mấy người nữa cũng có ý định mua, nếu thấy không chốt nhanh là họ vào đặt cọc với chủ nhà luôn”.

Đi thuê nhà ròng rã đã 8 năm, giá thuê mỗi tháng của gia đình chị hiện tại là 8 triệu đồng cho một căn hộ 55m2 ở khu vực Nam Trung Yên (Cầu Giấy). Trong khi đó, nếu mua nhà trả góp thì lãi suất sẽ rơi vào khoảng 12 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị Thu tính toán, nếu cố một chút để mua nhà trả góp thì vẫn gắng cầm cự được. Vậy nhưng trước tình hình giá nhà leo thang liên tục, dù rất muốn sở hữu một căn hộ của riêng mình, vợ chồng chị đành quyết định hoãn lại kế hoạch mua nhà và tiếp tục đi thuê, chờ khi nào thị trường lắng xuống sẽ tính tiếp.

"Công việc văn phòng tuy cho chúng tôi nguồn thu nhập đều đặn, ổn định nhưng cũng chưa thể gọi là dư dả để mua được nhà ở Thủ đô. Bài toán chi tiêu là điều hai vợ chồng phải tính toán, cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng mỗi khi đưa ra quyết định lớn", chị Thu chia sẻ. 

Qua rồi cái thời mua chung cư chỉ có xuống giá

Có thể thấy, thực trạng khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu ở thực của người dân rất lớn đã khiến không chỉ phân khúc căn hộ ở các dự án mới tăng giá mà ngay cả chung cư cũ cũng theo đà leo thang.

Dù chỉ mới quyết định bỏ lỡ căn hộ cũ “18 tuổi” ở Định Công cách đây không lâu nhưng chị Thu vẫn không khỏi “choáng” khi nhắc tới mức giá mới: “Bây giờ mua thì không còn giá đó nữa, mới qua hơn hai tháng thôi nhưng căn hộ đã lên gần 2 tỷ đồng rồi”. Điều đó có nghĩa là chỉ trong hơn 2 tháng, một căn hộ cũ xuống cấp khá nghiêm trọng đã tăng khoảng 350 triệu đồng, trung bình mỗi mét vuông sàn tăng tới 5,4 triệu đồng - một tốc độ chóng mặt khiến những người mua thực để ở như chị phải “chới với”.

“Chưa bao giờ thấy giá chung cư lại đắt như bây giờ. Đồng nghiệp ở công ty mình mua chung cư từ mấy năm trước đều xác định để ở lâu dài chứ không đầu tư được, vì ai cũng nghĩ chung cư chỉ có xuống giá thôi. Thế nhưng bây giờ đang cho thấy điều ngược lại, hầu hết căn hộ mua từ 1 - 2 năm trước là giờ nhìn thấy có lãi rồi”, chị Thu cảm thán.

Cách đây khoảng 2 năm, anh V.T quyết định mua một căn hộ ở tòa chung cư Sky Central (quận Hoàng Mai, Hà Nội) với giá 1,9 tỷ đồng. Đến nay đã có nhiều môi giới liên hệ và người có nhu cầu hỏi mua lại với giá cao nhất lên tới 3 tỷ đồng. Tuy nhiên vì mục đích ban đầu là mua để ở lâu dài nên anh T cũng chưa có ý định bán.

Sau khoảng 2 năm, giá trị căn hộ anh V.T sở hữu đã tăng hơn 1 tỷ đồng so với lúc mua.

Khảo sát trên thị trường, các căn hộ ở Sky Central hiện nay đang được nhiều chính chủ rao bán phổ biến ở mức 29,3 - 42 triệu đồng/m2, tương đương 2,7 - 4,3 tỷ đồng với diện tích sàn là 65 - 105m2. Trong khi ở thời điểm bàn giao năm 2019, giá bán được chủ đầu tư mời chào chỉ từ 1,6 tỷ đồng/căn.

Theo báo cáo thị trường tháng 5/2022 của batdongsan.com.vn, loại hình chung cư vẫn giữ được mức độ quan tâm tương đương cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, giá chung cư tại Hà Nội trong 5 tháng đầu năm có mức tăng trung bình đạt khoảng 8% so với năm 2021, đây là mức tăng cao hơn khá nhiều so với thời điểm 2 - 3 năm trước dịch Covid-19 (trung bình khoảng 5%).

Trước đây, tình trạng người mua chung cư phải bán cắt lỗ sau một vài năm sử dụng xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên hiện nay, nếu nhà đầu tư nào biết chớp thời cơ, thuận mua vừa bán thì hoàn toàn có thể chốt lời từ chính những căn hộ từng một thời được cho là “tiêu sản”. Còn những người mua thực như vợ chồng chị Thu thì đành “ôm” tiếp giấc mộng an cư chờ cho qua cơn “sốt” giá./. 

Theo: Reatimes

Thông kê truy cập

Đang trực tuyến 1
Hôm nay 3
Tổng lượt truy cập 158,849
Thong ke