CÔNG TY CỔ PHẦN SJ GROUP

024.3768.5592


Quy hoạch Hà Nội mở rộng: 70% diện tích cho vành đai xanh

Ngày đăng: 24/02/2010

Hà Nội rất cần các vành đai xanh (ảnh minh hoạ) Ảnh: GIANG HUY
(LĐ) - Ngay sau khi ký hợp đồng tư vấn quốc tế (ngày 26.12.2008) lập quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, liên danh tư vấn quốc tế Perkins Eastman, Posco E&C và JINA (PPJ) đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đồ án.

Ngày 26.11.2009 đơn vị xây dựng đồ án, liên danh tư vấn quốc tế PPJ đã báo cáo lần 3 Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với thường trực Chính phủ. Chúng tôi xin giới thiệu tổng quan về phương án do PPJ đề xuất để bạn đọc tham khảo.

Hà Nội với gần 70% diện tích hành lang xanh

Theo đề xuất tại buổi báo cáo lần 3 của PPJ, quy hoạch đề xuất cho mở rộng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 là phát triển lõi đô thị mở rộng, 5 đô thị vệ tinh và thị trấn/làng sinh thái cũng như việc bảo tồn hành lang xanh, tạo không gian mở, mạng lưới công viên đường thẳng nằm xen kẽ trong khu vực nội thành và lõi đô thị mới đến đường vành đai 4. Lõi đô thị mở rộng gồm 2 vùng chính được ngăn cách bởi sông Hồng, bao quanh đô thị lõi Hà Nội và mở rộng ra đường vành đai 4.

Năm đô thị vệ tinh được đề xuất có vị trí ở các khu vực khác nhau bên ngoài vành đai 4. Ba đô thị vệ tinh mới sẽ nằm về vùng phía tây, một đô thị nằm phía tây của hành lang xanh, một đô thị nằm ở phía nam của khu vực nội lõi và đô thị còn lại nằm ở phía bắc của đô thị lõi và sông Hồng.

Hành lang xanh đề xuất bao gồm một vùng trung tâm và một phần của khu vực phía nam. Để đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững, hành lang xanh được thiết kế ở khu vực giữa sông Đáy và sông Tích. Hành lang xanh chiếm 70% diện tích Hà Nội, phần còn lại 30% dành cho phát triển đô thị.

Nếu đồ án quy hoạch này được thông qua, chúng ta có thể hình dung dọc theo đường dịch vụ trong hành lang xanh, còn gọi là đường cảnh quan bắc-nam, sẽ có 3 thị trấn/làng sinh thái tại giao lộ chính với quốc lộ 6, đường cao tốc Láng - Hoà Lạc và quốc lộ 32. Quanh khu vực này sẽ rất dễ bị đô thị hoá, phá vỡ ý tưởng hành lang xanh. Vì vậy, PPJ đã có những nghiên cứu cụ thể hơn nhằm đề xuất các thị trấn sinh thái mật độ thấp, quy hoạch tốt qua các giao lộ chính để ngăn chặn quá trình đô thị hoá.

Ý tưởng hành lang xanh là điểm vượt trội của đồ án quy hoạch do PPJ đề xuất. Đây chính là mấu chốt cho sự phát triển bền vững của Hà Nội.

Hành lang xanh phải đảm bảo các yêu cầu sau: Tạo lập một không gian xanh công cộng gần thành phố; bảo vệ các vùng nông nghiệp năng suất cao; bảo vệ các vùng dễ xảy ra lũ; bảo tồn văn hoá và di sản; khuyến khích các hoạt động xanh, thân thiện môi trường và phát triển; thiết lập ranh giới quản lý sự phát triển thiếu kiểm soát của đô thị; tạo kết nối mạnh mẽ hơn giữa vùng nông thôn, ven đô và đô thị; cho phép duy trì tính ổn định của làng nghề hiện nay và thúc đẩy du lịch sinh thái...

Hành lang xanh dọc sông Nhuệ

Tại buổi báo cáo lần 3, PPJ đề xuất, đã nhấn mạnh sông Nhuệ sẽ là một tiện nghi chính và như vậy sẽ đóng góp đáng kể vào di sản cảnh quan lớn của thành phố. Con sông này sẽ giúp bảo vệ và thúc đẩy các khu vực dân cư và xóm làng hiệu hữu trong khu vực lõi mở rộng; tạo ra các cơ hội để vui chơi giải trí và các không gian mở công cộng phục vụ cho dân cư hiện có và trong tương lai của Hà Nội.

Phương án mà PPJ đề xuất là: Chiều rộng của công viên liền kề dao động từ ít nhất 100m từ mỗi bờ sông đến gần khoảng 1.500m; quy mô chiều rộng được đề xuất lớn vượt quá chiều rộng trung bình của các công viên lớn trên thế giới. Các khu hiện hữu có thể bảo tồn và vẫn nằm trong công viên liền kề. Đối với các dự án đã quy hoạch là vẫn thừa nhận các dự án chính mặc dù phần lớn các dự án phải thay đổi thiết kế.

PPJ đề xuất, khu vực lõi mở rộng được thiết kế đáp ứng đầy đủ các chức năng sử dụng đất và tập trung vào phát triển thương mại. Sự phát triển quy mô lớn giữa hành lang xanh của đô thị lõi và vành đai 4 hấp thu nhiều dự án đã được quy hoạch cho khu vực này. Một số khu vực phát triển mật độ cao và sử dụng hỗn hợp xung quanh các điểm giao cắt của các tuyến giao thông công cộng chính và các đường mạch hướng tâm từ đô thị lõi.

Một loạt các khu vực không gian mở liền kề đông-tây tạo ra sự kết nối giữa hành lang xanh của đô thị lõi và vành đai xanh lớn phía tây vành đai 4. Những khu vực không gian mở này sẽ cho phép bảo tồn các sông hồ và không gian mặt nước hiện hữu cũng như các làng xóm và khu vực dân cư hiện hữu.

Phương án do PPJ đề xuất có các khu vực phát triển quy mô nhỏ hơn, cung cấp các mặt tiền rộng với tiện nghi không gian mở; vị trí các khu vực sử dụng hỗn hợp mật độ cao, tập trung phát triển theo định hướng giao thông công cộng nơi các tuyến giao thông lớn với các đường hướng tâm; và có 7 sự kết nối công viên liền kề đông-tây, tạo ra các lối vào các khu vui chơi giải trí và không gian mở.

Đức Minh

Thông kê truy cập

Đang trực tuyến 1
Hôm nay 1
Tổng lượt truy cập 162,118
Thong ke